Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

Các hình thức Crowdfunding áp dụng tại Việt Nam

Crowdfunding hiện nay có 4 dạng chính đó là Equity, Lending, Donate và Reward – Based. Vậy những hình thức đã có tại Việt Nam? Cách thức áp dụng nó ra sao? 
1.  Crowdfunding Donate – Crowdfunding cho những dự án từ thiện hoặc cộng đồng.
Donate là hình thức Crowdfunding được tạo ra do các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ vận động quyên góp giúp đỡ vùng thiên tai, người có hoàn cảnh đặc biệt hoặc trung tâm bảo trợ… Hình thức này không xét đến việc phải có quà tri ân, lợi nhuận hay cổ phần.
Nói một cách dễ hiểu nhất thì bản chất của hình thức này là sự vận động, quyên góp từ thiện và như vậy thì tại Việt Nam, hình thức này đã không còn quá xa lạ với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, có một điều khá thú vị đó là nhắc đến những hoạt động hỗ trợ, chung tay góp sức cho cộng đồng thì ai cũng biết nhưng nói về Donate Crowdfunding thì không phải ai cũng biết.
Hiện nay, một trong những trang web gây quỹ cộng đồng, quản lý quỹ và liên lạc với mạnh thường quân dành cho các dự án xã hội tại Việt Nam hoạt động dựa trên hình thức Donate Crowdfunding khá nổi tiếng là Charity map.
2. Equity. ( Góp cổ phần)
Equity là một hình thức Crowdfunding dưới dạng góp vốn cổ phần, nghĩa là những người tham gia góp vốn, đầu tư vào một công ty chưa niêm yết để đổi lấy cổ phần trong công ty đó. Nói cách khác, hình thức này không khác việc mua cổ phiếu một công ty mới có tiềm năng. Người đầu tư nhận lại cổ phần và lợi nhuận nếu công ty kinh doanh có lãi.
Lấy một ví dụ khá cụ thể để giúp bạn có thể dễ dàng hình dung, hiện tại có một dự án xây dựng một khu nghỉ dưỡng cao cấp và chủ dự án muốn kêu gọi vốn bằng hình thức Crowdfunding, bạn biết được thông tin đó qua trang tin mà chủ dự án ủy quyền đăng tin kêu gọi và bạn hứng thú với dự án đồng thời có nhã ý tài trợ cho dự án đó. Lúc này, tùy thuộc vào số tiền bạn muốn đầu tư, chủ dự án sẽ cung cấp những gói đầu từ khác nhau cho bạn đầu tư, khi dự án Crowdfunding thành công, bạn sẽ trở thành một cổ đông trong công ty, công ty sẽ cung cấp thêm cho bạn một số lợi ích đi kèm. Ví dụ như lúc này chủ dự án có thể sẽ cam kết để bạn có thể đến đây ở nghỉ dưỡng miễn phí trong cỡ 2 tuần/1 năm hoặc mỗi tháng một lần tùy thuộc vào dự án, trong thời gian bạn đến đây, bạn có thể sử dụng những tiện ích cũng như ăn uống tại khu nghỉ dưỡng với điều kiện trước khoảng một thời gian quy định bạn phải báo cho bên quản lý để họ sắp xếp chỗ ăn nghỉ thỏa đáng cho bạn. Còn trong những ngày bạn không ở đó thì căn phòng của bạn sẽ được cho thuê kiếm lời.
Những dự án bất động sản nghỉ dưỡng cấp cao thường sẽ được ưu tiên lựa chọn hình thức này. Hiện tại ở Việt Nam, chưa có một văn bản pháp luật nào cụ thể về Crowdfunding do đó hình thức Equity Crowdfunding vẫn chưa được áp dụng tại Việt Nam.
3. Reward – Based.( Nhận quà tri ân)
Reward- Based là hình thức Crowdfunding kết hợp giữa Donate (Từ thiện) và Equity (Góp vốn cổ phần). Ở hình thức này, chủ dự án sẽ huy động vốn để thực hiện những ý tưởng mới, đột phá và chưa có trước đây. Số tiền tài trợ được chia theo từng gói, mỗi gói sẽ có một phần quà tương ứng. Người tài trợ sẽ nhận được quà khi dự án thành công, không xét đến lợi nhuận hay cổ phần sở hữu.
Đây là hình thức Crowdfunding khá phổ biến và được nhiều người biết đến. Đặc biệt, tại Việt Nam, Reward- Based là một trong những hình thức Crowdfunding thường được áp dụng nhất, có thể kể đến dự án Crowdfunding khá thành công tại Việt Nam dưới hình thức này như: Long Thần Tướng. Đây là dự án truyện tranh đầu tiên ở Việt Nam được hình thành từ hình thức kêu gọi vốn cộng đồng (Crowdfunding) trên trang web của Comicola.com . Khởi động từ ngày 1/4/2014, dự án Crowdfunding cho Tập 1- Bộ truyện Long Thần Tướng đã gây tiếng vang lớn trong và ngoài nước. Tập 1 của bộ truyện này đã chính thức ra mắt độc giả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 1-2/11/2014. Chỉ sau hai tháng, dự án đã kêu gọi được 330 triệu đồng, trở thành dự án Crowdfunding thành công nhất ở Việt Nam tính đến thời điểm đó.
4. Lending(Góp vốn cho vay).
Lending là hình thức Crowdfunding phù hợp cho các doanh nghiệp đã thành lập nhưng tài sản thế chấp không đủ thuyết phục ngân hàng nào cho vay tiền. Vốn vay được lấy từ vốn góp của cộng đồng hoặc từ những người đã kinh doanh thành công từ hình thức này nhằm tạo ra dòng vốn luân chuyển lớn để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Để minh họa một cách dễ hiểu hơn về hình thức này, chúng ta sẽ tìm hiểu một mô hình hoạt động theo hình thức Crowdfunding Lending khá thành công trên thế giới của Kiva.
Kiva là một tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh kết nối mọi người thông qua việc cho vay xoá đói giảm nghèo. Kiva tận dụng mạng Internet và một mạng lưới toàn cầu của các tổ chức tài chính vi mô, để cho phép các cá nhân mượn ít nhất là $ 25 để giúp tạo ra cơ hội trên thế giới. Tìm hiểu thêm về cách thức hoạt động.
Tại trang của kiva, bạn sẽ có thể đọc được hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện của bất cứ ai trên thế giới, họ tìm kiếm một khoản vay để có thể phát triển cho việc học tập, kinh doanh của họ, khi bạn đọc và tìm hiểu thật kỹ càng về những câu chuyện đó, nếu như bạn muốn tài trợ cho họ vay vốn, bạn sẽ nhấp vào chữ “lend”. Sau đó, bạn sẽ nhận được những thông tin cập nhật liên tục từ Kiva, bất cứ khi nào dự án mà bạn hỗ trợ thành công, bạn sẽ nhận lại được tiền của mình ngay trên chính tài khoản của bạn trên Kiva. Lúc này bạn có thể tiếp tục tài trợ, thu hồi vốn hoặc tặng cho Kiva tùy tuộc vào nguyện vọng của bạn.
Hình thức này cũng tương tự như Equity, nó chưa được áp dụng tại Việt Nam.
Theo Ngọc Huyền – FirstStep.vn
Nguồn: news.firstStep.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét