Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

Crowdfunding ở Việt Nam dễ hay khó?

Hiện nay, Crowdfunding vẫn là một khái niệm mới đối với cả chủ dự án lẫn nhà đầu tư ở Việt Nam.  Vậy trong tương lai, mô hình này liệu có thể dễ dàng thực hiện tại Việt Nam hay không?
Crowdfunding ở Việt Nam dễ hay khó
Như đã đề cập ở trên, tuy rằng đây là một xu hướng tiến bộ trên thế giới nhưng việc tiếp cận mô hình này tại Việt Nam là một điều khá khó khăn vì dù sao đây cũng chỉ là một mô hình đầu tư mới.
Crowdfunding bao gồm cả quyên góp và từ thiện (Donate), góp vốn cho vay (Lending), góp cổ phần (Equity) hoặc là những phần quà tri ân từ chủ dự án dành cho những nhà đầu tư nếu dự án đó kêu gọi vốn thành công ( Reward- Based). Tất cả những yếu tố này đều có được khi người ta tin vào tương lai dự án gọi vốn. Vì thế, cốt lõi của Crowdfunding là: niềm tin cộng đồng.
Crowdfunding xây dựng cho chúng ta một cơ cấu mà chúng ta tin tưởng bỏ tiền vào và chúng ta có thể chia sẻ việc đầu tư này cùng với những người có cùng niềm tin rằng dự án sẽ thành công.
Tuy nhiên, để có được niềm tin cộng đồng thì không phải là điều dễ dàng. Hiện nay, trong xã hội ngày càng phát triển, không ít người thường dùng nhiều mánh khóe để có thể lừa gạt lẫn nhau nhằm chuộc lợi. Chắc hẳn không ai còn xa lạ gì với những trò lừa đảo trong kinh doanh diễn ra nhan nhản đã bị lật tẩy trên các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, phóng sự… Điều đó khiến cho sức mạnh niềm tin ngày càng suy giảm.
Không khó để bắt gặp những ánh mắt hoài nghi khi một người ăn xin giơ tay ra xin tiền vì ai cũng đắn đo, suy nghĩ xem, thật sự họ có gặp hoàn cảnh khó khăn như vậy hay không. Dần dần chính những điều này tạo ra khoảng cách, tạo ra sự nghi ngờ khiến con người trở nên mất niềm tin vào nhau. Và một dấu chấm hỏi đặt ra ngay tại đây. Liệu rằng sẽ có ai chấp nhận đầu tư cho một dự án mà họ chưa nắm chắc được sự thành công hoặc rằng tin tưởng sự đầu tư đó sẽ đưa lại cho họ một khoản lợi nhuận trong tương lai như đã được hứa hẹn hay không hoặc chủ dự án sẽ cho ra đời sản phẩm và đưa đến cộng đồng như đã hứa hay không?
Bên cạnh đó, có một sự khác biệt về văn hóa giữa phương Tây và phương Đông. Cách nhìn về thất bại khác biệt khiến Crowdfunding chưa thể là nơi mọi người sẵn sàng đưa lên ý tưởng của mình và gọi vốn. Bởi vì người châu Á nhìn chung sẽ dễ nhận được chỉ trích, dèm pha hơn là ủng hộ và khi thất bại thì cũng là một thất bại công khai, mất mặt. Với môi trường làm ăn chú trọng đến mối quan hệ như ở châu Á thì việc đầu tư cho một người xa lạ trên internet thật sự không dễ dàng chút nào.
Mặt khác, ngay tại thị trường Việt Nam chưa có nhiều giao dịch online cùng với hệ thống luật pháp còn chưa quy định về Crowdfunding cũng là một trở ngại lớn trong vấn đề gây dựng niềm tin.
Tuy nhiên, nói vậy nhưng không vì thế mà Crowdfunding không có cơ hội phát triển tại Việt Nam, minh chứng rõ nét cho điều trên là sự thành công của không ít dự án vừa và nhỏ thực hiện bằng hình thức kêu gọi vốn cộng đồng.
Mô hình crowdfunding tham gia thị trường Việt Nam lần đầu tiên vào cuối năm 2013. Lúc này cộng đồng trong nước vẫn chưa có một hiểu biết nhất định về việc chủ dự án tìm kiếm đầu tư bằng kêu gọi vốn cộng đồng, ngay cả những nhà đầu tư hay còn gọi là người tài trợ (Backer) cần thời gian để hình thành thói quen đầu tư cho các dự án nhỏ từ tiền cá nhân của mình.
Chuồn Chuồn Couples là một trong những dự án đầu tiên tham gia huy động vốn cộng đồng trong nước năm 2013. Chị Phạm Thanh Thúy Vy, phụ trách truyền thông gây quỹ của dự án cho biết, dự án gặp trở ngại khá lớn từ tâm lý thích “nhấn like động viên” hơn việc đầu tư trực tiếp bằng tiền mặt cho những dự án của người Việt. Ngoài ra, hệ thống thanh toán trực tuyến còn nhiều lỗi kỹ thuật gây khó khăn cho người muốn đóng góp. Sau một tháng tìm hiểu và thử nhiều cách huy động nguồn lực khác nhau, website gây quỹ thông báo dự án Chuồn Chuồn Couples gây quỹ được 10 triệu. Đây là mục tiêu ban đầu do dự án đề ra.
Tiếp theo là một dự án không thể không nhắc đến đó là: dự án Crowdfunding cho Tập 1- Bộ truyện Long Thần Tướng. Trong bối cảnh cả nước đang hướng về biển Đông do sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam vào ngày 3/5/2014. Bộ truyện tranh về lịch sử Long Thần Tướng đã gợi lên được phần nào tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc của người dân Việt.
Tiếp nối sự thành công của dự án Long Thần Tướng, đã có thêm những dự án được các bạn trẻ mạnh dạn Crowdfunding và đã thành công trên những lĩnh vực MV ca nhạc như dự án MV : “Hẹn ước”- Tây Hồ Kỳ Duyên của nhóm kịch Chuồn Chuồn Giấy- một nhóm kịch café diễn mô hình cổ trang nổi tiếng tại TP.HCM, khởi động từ tháng 1/2014và kết thúc vào ngày 9/2/2015 thì huy động thành công, tổng số tiền huy động được là 10,423,000 VNĐ.
Qua một số những ví dụ về Crowdfunding thành công tại Việt Nam, chúng ta có thể thấy rằng: so với những dự án Crowdfunding hàng ngàn, hàng triệu USD trên thế giới thì những con số chục triệu hay là hàng trăm triệu VNĐ chỉ mới ở mức độ khiêm tốn nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, mô hình này sẽ được áp dụng và phát triển hơn nữa tại Việt Nam trong tương lai.
Ngọc Huyền – FirstStep.vn
Nguồn: news.firststep.vn

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

Các hình thức Crowdfunding áp dụng tại Việt Nam

Crowdfunding hiện nay có 4 dạng chính đó là Equity, Lending, Donate và Reward – Based. Vậy những hình thức đã có tại Việt Nam? Cách thức áp dụng nó ra sao? 
1.  Crowdfunding Donate – Crowdfunding cho những dự án từ thiện hoặc cộng đồng.
Donate là hình thức Crowdfunding được tạo ra do các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ vận động quyên góp giúp đỡ vùng thiên tai, người có hoàn cảnh đặc biệt hoặc trung tâm bảo trợ… Hình thức này không xét đến việc phải có quà tri ân, lợi nhuận hay cổ phần.
Nói một cách dễ hiểu nhất thì bản chất của hình thức này là sự vận động, quyên góp từ thiện và như vậy thì tại Việt Nam, hình thức này đã không còn quá xa lạ với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, có một điều khá thú vị đó là nhắc đến những hoạt động hỗ trợ, chung tay góp sức cho cộng đồng thì ai cũng biết nhưng nói về Donate Crowdfunding thì không phải ai cũng biết.
Hiện nay, một trong những trang web gây quỹ cộng đồng, quản lý quỹ và liên lạc với mạnh thường quân dành cho các dự án xã hội tại Việt Nam hoạt động dựa trên hình thức Donate Crowdfunding khá nổi tiếng là Charity map.
2. Equity. ( Góp cổ phần)
Equity là một hình thức Crowdfunding dưới dạng góp vốn cổ phần, nghĩa là những người tham gia góp vốn, đầu tư vào một công ty chưa niêm yết để đổi lấy cổ phần trong công ty đó. Nói cách khác, hình thức này không khác việc mua cổ phiếu một công ty mới có tiềm năng. Người đầu tư nhận lại cổ phần và lợi nhuận nếu công ty kinh doanh có lãi.
Lấy một ví dụ khá cụ thể để giúp bạn có thể dễ dàng hình dung, hiện tại có một dự án xây dựng một khu nghỉ dưỡng cao cấp và chủ dự án muốn kêu gọi vốn bằng hình thức Crowdfunding, bạn biết được thông tin đó qua trang tin mà chủ dự án ủy quyền đăng tin kêu gọi và bạn hứng thú với dự án đồng thời có nhã ý tài trợ cho dự án đó. Lúc này, tùy thuộc vào số tiền bạn muốn đầu tư, chủ dự án sẽ cung cấp những gói đầu từ khác nhau cho bạn đầu tư, khi dự án Crowdfunding thành công, bạn sẽ trở thành một cổ đông trong công ty, công ty sẽ cung cấp thêm cho bạn một số lợi ích đi kèm. Ví dụ như lúc này chủ dự án có thể sẽ cam kết để bạn có thể đến đây ở nghỉ dưỡng miễn phí trong cỡ 2 tuần/1 năm hoặc mỗi tháng một lần tùy thuộc vào dự án, trong thời gian bạn đến đây, bạn có thể sử dụng những tiện ích cũng như ăn uống tại khu nghỉ dưỡng với điều kiện trước khoảng một thời gian quy định bạn phải báo cho bên quản lý để họ sắp xếp chỗ ăn nghỉ thỏa đáng cho bạn. Còn trong những ngày bạn không ở đó thì căn phòng của bạn sẽ được cho thuê kiếm lời.
Những dự án bất động sản nghỉ dưỡng cấp cao thường sẽ được ưu tiên lựa chọn hình thức này. Hiện tại ở Việt Nam, chưa có một văn bản pháp luật nào cụ thể về Crowdfunding do đó hình thức Equity Crowdfunding vẫn chưa được áp dụng tại Việt Nam.
3. Reward – Based.( Nhận quà tri ân)
Reward- Based là hình thức Crowdfunding kết hợp giữa Donate (Từ thiện) và Equity (Góp vốn cổ phần). Ở hình thức này, chủ dự án sẽ huy động vốn để thực hiện những ý tưởng mới, đột phá và chưa có trước đây. Số tiền tài trợ được chia theo từng gói, mỗi gói sẽ có một phần quà tương ứng. Người tài trợ sẽ nhận được quà khi dự án thành công, không xét đến lợi nhuận hay cổ phần sở hữu.
Đây là hình thức Crowdfunding khá phổ biến và được nhiều người biết đến. Đặc biệt, tại Việt Nam, Reward- Based là một trong những hình thức Crowdfunding thường được áp dụng nhất, có thể kể đến dự án Crowdfunding khá thành công tại Việt Nam dưới hình thức này như: Long Thần Tướng. Đây là dự án truyện tranh đầu tiên ở Việt Nam được hình thành từ hình thức kêu gọi vốn cộng đồng (Crowdfunding) trên trang web của Comicola.com . Khởi động từ ngày 1/4/2014, dự án Crowdfunding cho Tập 1- Bộ truyện Long Thần Tướng đã gây tiếng vang lớn trong và ngoài nước. Tập 1 của bộ truyện này đã chính thức ra mắt độc giả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 1-2/11/2014. Chỉ sau hai tháng, dự án đã kêu gọi được 330 triệu đồng, trở thành dự án Crowdfunding thành công nhất ở Việt Nam tính đến thời điểm đó.
4. Lending(Góp vốn cho vay).
Lending là hình thức Crowdfunding phù hợp cho các doanh nghiệp đã thành lập nhưng tài sản thế chấp không đủ thuyết phục ngân hàng nào cho vay tiền. Vốn vay được lấy từ vốn góp của cộng đồng hoặc từ những người đã kinh doanh thành công từ hình thức này nhằm tạo ra dòng vốn luân chuyển lớn để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Để minh họa một cách dễ hiểu hơn về hình thức này, chúng ta sẽ tìm hiểu một mô hình hoạt động theo hình thức Crowdfunding Lending khá thành công trên thế giới của Kiva.
Kiva là một tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh kết nối mọi người thông qua việc cho vay xoá đói giảm nghèo. Kiva tận dụng mạng Internet và một mạng lưới toàn cầu của các tổ chức tài chính vi mô, để cho phép các cá nhân mượn ít nhất là $ 25 để giúp tạo ra cơ hội trên thế giới. Tìm hiểu thêm về cách thức hoạt động.
Tại trang của kiva, bạn sẽ có thể đọc được hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện của bất cứ ai trên thế giới, họ tìm kiếm một khoản vay để có thể phát triển cho việc học tập, kinh doanh của họ, khi bạn đọc và tìm hiểu thật kỹ càng về những câu chuyện đó, nếu như bạn muốn tài trợ cho họ vay vốn, bạn sẽ nhấp vào chữ “lend”. Sau đó, bạn sẽ nhận được những thông tin cập nhật liên tục từ Kiva, bất cứ khi nào dự án mà bạn hỗ trợ thành công, bạn sẽ nhận lại được tiền của mình ngay trên chính tài khoản của bạn trên Kiva. Lúc này bạn có thể tiếp tục tài trợ, thu hồi vốn hoặc tặng cho Kiva tùy tuộc vào nguyện vọng của bạn.
Hình thức này cũng tương tự như Equity, nó chưa được áp dụng tại Việt Nam.
Theo Ngọc Huyền – FirstStep.vn
Nguồn: news.firstStep.vn